Trở về trước nhiều năm, cao su thiên nhiên vẫn chưa được nhận thức đầy đủ giá trị, cũng như tầm quan trọng trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Nhưng ở hiện tại, cao su thiên nhiên đang ngày càng khẳng định các đặc tính vượt trội độc đáo của mình. Và dần trở nên phổ biến, được dùng sâu rộng hơn, với vai trò ngày càng quan trọng hơn trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ và đời sống.
Cụ thể, cao su thiên nhiên sở hữu hàng loạt các ưu điểm lớn gồm: an toàn cho sức khỏe, có độ đàn hồi cao, độ bền vượt trội, khả năng kháng khuẩn tốt, chịu nhiệt bền bỉ hơn. Chất liệu này vì vậy được ứng dụng ngày càng nhiều trong mọi lĩnh vực ở tất cả các ngành nghề. Quan tâm đến chất liệu này đã lâu, bạn có biết cao su nhân đã trải qua dây chuyền chế biến thế nào để có được thành phẩm hữu dụng? Cùng Công ty Quang Trung xem qua bài viết dưới đây về chi tiết Dây chuyền chế biến mủ cao su.
Cao su SVR là gì? Quy trình chế biến mủ cao su chuẩn ra sao?
Cao su SVR là loại cao su thiên nhiên chất lượng cao, được làm từ nguyên liệu chính là các loại mủ nước (như Latex).
Hiện trên thị trường có nhiều loại cao su SVR khác nhau, nhưng về mặt quy trình, chúng đều được hình thành thông qua quá trình làm đông Latex kết hợp với Axit Fomic. Sau khi đông đặc sẽ được đưa qua máy nghiền trở thành các vụn nhỏ. Tiếp theo được rửa sạch bằng nước. Các hạt nhỏ sau đó sẽ được sấy khô, ép lại thành bánh cao su.
Cao su SVR chính xác được làm từ các nguyên liệu nào?
Như đã nói, nguyên liệu chính để làm ra cao su SVR là các loại mủ nước. Gồm mủ đông, mủ chén, mủ dây….
Tùy theo nhà chế biến, loại thành phẩm muốn có, dây chuyền sẽ pha trộn các loại nguyên liệu này lại theo tỉ lệ khác nhau.
Toàn bộ quá trình pha trộn, chuyển đổi và chế biến mủ cao su đều được đặt dưới khâu kiểm tra nghiêm ngặt. Bản thân các nguyên liệu kể trên cũng phải đặt tiêu chuẩn đầu vào cao, với độ nhất quán theo quy định thì mới có thể đảm bảo tạo ra sản phẩm cao su chất lượng.
Có bao nhiêu loại cao su SVR?
Thực tế, có khá nhiều dòng cao su SVR phục vụ cho nhiều mục đích, ngành nghề khác nhau. Nhưng phổ biến nhất hiện nay là SVR 10, SVR 20, SVR 3L.
Với cao su SVR 10. Đây là loại cao su cứng, có độ bền cao, thường dùng trong sản xuất lốp xe. Nhiều nơi cũng chọn cách pha trộn cao su SVR 10 với các loại cao su khác cấp thấp hơn để mang lại các sản phẩm hợp túi tiền người tiêu dùng.
Trong khi đó cao su SVR 3L là loại phổ biến dùng trong đời sống hàng ngày. Cao su SVR 3L có khả năng đàn hồi cao, độ bền vượt trội, đặc biệt chống mài mòn tốt. Nên thường được dùng trong chế tạo dây cáp, dây điện, dây đai các loại.
Cao su SVR 20 cũng là loại có tính ứng dụng cao, cũng có bản chất cao su cứng, đặc biệt có đặc tính vượt trội khi được kết hợp với cao su RSS cấp thấp hoặc cao su CV50.
Tìm hiểu dây chuyền chế biến mủ cao su
Các loại cao su SVR khác nhau, có ứng dụng riêng và chỉ số kỹ thuật khác biệt. Tuy nhiên nhìn chung đều trải qua quy trình chế biến mủ cao su tương tự nhau. Sau đây là các bước chi tiết trong một quy trình chế biến mủ cao su SVR 3L & SVR CV60.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Là bước đầu tiên trong quy trình chế biến mủ cao su. Lúc này, các nguyên liệu Latex sau khi thu hoạch tại nông trường sẽ được chở để nhà máy chế biến. Tại đây chúng được thêm vào dung dịch amoniac loãng để không bị đông trong khi đợi chế biến và được bảo quản kỹ trong các xe bồn kín.
Bước 2: Pha trộn mủ Latex
Để tiến hành pha trộn, mủ Latex sẽ được loại bỏ các tạp chất (gồm rác, hạt to, mủ tạp…). Sau đó, toàn bộ mủ sạch được bỏ vào hồ chứa chung tại nhà máy. Lúc này hệ thống các cánh quay/ cánh khuấy đã được bố trí sẵn quanh hồ sẽ làm việc trong vòng 15-30 phút để khuấy đều và pha trộn theo yêu cầu.
Trong suốt quá trình pha trộn, nước sạch (cùng một số chất khác, như Natri Metabisulfit…) sẽ được bơm vào liên tục theo liều lượng đã được tính trước đó để điều chỉnh hàm lượng cao su cho phù hợp với yêu cầu.
Bước 4: Đánh đông hợp chất
Sau khi trộn đều, hỗn hợp Latex sẽ được bơm vào các mương đánh đông. Lúc này các chất acid sẽ dần được dẫn vào mương để tiến hành đánh đông hợp chất. Thời gian đánh đông mủ cao su thường diễn ra trong khoảng 8-24 giờ đồng hồ tùy loại và tùy quy trình thiết bị.
Bước 5: Cán, kéo miếng mủ dày
Sau khi đánh đông, nước sẽ được bơm vào các máng để phần mủ đã đánh đông nổi lên trên. Tiếp theo, khối mủ này sẽ được đưa vào máy cán kéo để cán thành sợi, để giảm độ dày của tấm cao su. Trong khoảng dưới 8mm là vừa để đưa tiếp vào máy băm ở bước tiếp theo.
Bước 6: Băm sấy cao su
Các tấm mủ mỏng sẽ được đi qua hệ thống băng tải đi vào máy băm. Chúng sẽ trở thành các hạt cốm có kích thước nhỏ. Các hạt này được di chuyển qua một hồ nước sạch, trút vào phễu hút để rửa sạch một lần nữa bằng nước. Sau đó đi qua hệ thống sàng rung để lọc lại các hạt cốm mủ tinh túy nhất.
Phần cốm chắt lọc xong sẽ được đưa vào thùng sấy trong khoảng 100-120 độ. Tiếp theo sẽ qua máy gia nhiệt trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ. Đến lúc này, mới gọi là hoàn thành giai đoạn băm sấy cao su.
Bước 7: Công đoạn ép thành miếng cao su và sấy khô, đóng gói
Hạt cốm cao su sau khi đã sấy khô sẽ được làm nguội bằng quạt. Cuối cùng đi qua máy ép để ép thành bánh theo các kích cỡ quy định khác nhau. Phần còn lại là cho các bánh cao su này vào túi nhựa PE, bọc kín, tạo thành bánh cao su thành phẩm và mang đi đóng gói theo yêu cầu hoặc đem đi lưu trữ.